Phát hiện và hồi sinh Người_Arem

Người Arem được coi là tộc người được phát hiện muộn nhất ở Việt Nam vào năm 1956, trong một chuyến tuần tra, bộ đội biên phòng phát hiện ra tộc người A Rem sống trong những hang đá giữa núi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trước đây, người Arem vốn là một tộc người có tên tuổi, cư trú tập trung ở hai nơi có các tên gọi Rục hay Bòn Bòn. Nhưng do chiến tranh, để tránh bom rơi, đạn lạc, họ đã bỏ bản, lui vào trong rừng già của dải Trường Sơn náu thân. Vì cuộc lánh nạn này cho nên điều kiện sinh sống hết sức khó khăn và dẫn đến suy kiệt dần. Năm 1956, lúc được phát hiện ra, người Arem đã và đang sống một cuộc sống hết sức nguyên thủy như ở hang, mặc quần áo vỏ cây và đồ ăn, thức uống chủ yếu không qua đun nấu.[1]

Sau khi được phát hiện một thời gian, tộc người này tăng thêm được 110 người. Rồi chiến tranh, dịch bệnh, đói kém liên miên, đến khoảng năm 1982-1983, huyện Bố Trạch huy động các xã trong huyện giúp cho người A Rem làm nhà, cung cấp màn chiếu, bò giống để chăn nuôi. Thời điểm đó, tộc người A Rem chỉ còn đúng 85 người.[2]

Đến đầu năm 1992, tộc người A Rem được Nhà nước hỗ trợ theo dự án Bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất. Lúc này, người A Rem chỉ còn lại 83 người.

Năm 2003, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lúc đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến người Arem. Sau những lần vào tận nơi tìm hiểu, Nguyễn Minh Triết đã về TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân đóng góp và cùng với các ngành dựng lên bản Arem tại xã Tân Trạch hiện nay.[1][3]

Năm 2013, dân số người A Rem trên toàn xã Tân Trạch gồm 75 hộ, 333 khẩu, trong đó có 6 hộ ở bản Đoòng, cách trung tâm xã chừng 20 km đường rừng.[2]